Một con cá dĩa bạch tạng mới lớn có giá trên 1 triệu đồng. Thậm chí một chú cá la hán King Baccara được chào bán lên tới 1.500 USD. Chỉ riêng năm 2005, cá kiểng của TP.HCM đã có mặt ở nhiều thị trường Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Singapore với tổng số tiền xuất khẩu lên đến 4-5 triệu USD...
Giới đại gia nuôi cá kiểng ở TP.HCM cho biết: một con cá kiểng có thể bán với giá vài ngàn USD là chuyện bình thường, thậm chí vài chục ngàn USD cũng không phải là chuyện hiếm. Cá càng đẹp, thời thượng, càng thuộc loại quí hiếm thì người nuôi kêu giá nào cũng có người mua.
Bà Đoàn Ngọc Tuyết, nghệ nhân nuôi cá dĩa ở cư xá Đô Thành, cho biết: “Nuôi cá cảnh không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần vài chục mét vuông, có một ít hiểu biết kỹ thuật là có thể nuôi sản xuất được”.
Cơ duyên đến với nghề nuôi cá cảnh của bà Tuyết cũng khá tình cờ. Những ngày bà mới về hưu có nhiều thời gian rỗi, bà đi mua một cặp cá dĩa nhỏ với giá khoảng 100.000 đồng và mang về nhà nuôi để giải trí.
Khoảng 3-4 tháng sau, cá đẻ lứa đầu tiên trên 300 con và được nơi bán cá mua lại toàn bộ bầy cá con với giá 15.000 đồng/con. Cứ thế, mỗi tháng cặp cá dĩa ban đầu của bà Tuyết mua cứ đều đặn đẻ hai lần, mỗi lứa cá dĩa con bán ra giúp bà thu được 3-4,5 triệu đồng. Cá đẻ ra bao nhiêu đều được nhanh chóng thu mua bấy nhiêu.
Thấy nghề chơi cá cũng có thể kiếm ra tiền nên bà quyết định đầu tư để làm luôn nghề nuôi cá dĩa. Sau bốn năm theo nghề nuôi cá cảnh, bà Tuyết đã gây dựng được một cơ ngơi cá dĩa khá phong phú về chủng loại: cá dĩa lam xanh Việt Nam, cá dĩa da beo vàng Mã Lai, cá dĩa bạch tạng Ấn Độ, cá dĩa hạt lựu...
Đã có khá nhiều người nhờ nuôi cá kiểng mà sắm được cả nhà lầu. Ông Bùi Văn Phép, chủ trại cá cảnh ấp Thái Bình 1, phường Long Bình, quận 9, TP.HCM, cho biết mỗi năm ông xuất ao khoảng 300.000-500.000 con cá các loại như bảy màu, hồng kim, cá sim, cá vàng ba đuôi, cá ông tiên... Cá nuôi bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí một số nhà đầu tư Đài Loan còn tìm đến tận trại của ông để đặt hàng với số lượng lớn nhưng ông phải từ chối vì sợ nuôi không kịp với hợp đồng.
Tất nhiên, nuôi cá kiểng dễ mà không dễ, phải biết cách chơi cá đã rồi hãy nuôi cá. Theo ông Bùi Văn Phép, để nắm được đặc tính của một loài cá và các kỹ thuật nuôi cá một cách thuần thục, người nuôi phải có ít nhất hai năm nuôi nấng và gắn bó với loài cá đó. “Nuôi cá cảnh mà vội vã, ào ào thì sẽ nếm mùi thất bại ngay”, ông Phép nói.
Do là cá cảnh nên hình dáng, màu sắc của con cá rất quan trọng, phải cho cá ăn gì, ăn như thế nào để màu sắc của cá tươi tắn, rực rỡ, cá phải khỏe mạnh linh hoạt quả là không dễ. Nếu cho ăn không đúng cách cá sẽ có màu da xám xịt hoặc lòe loẹt, khi đó công sức người nuôi coi như bằng không.
Môi trường nước để nuôi cá cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với những loài cá khó tính như cá la hán, cá dĩa; nếu người nuôi không kiểm soát kỹ môi trường nước có thể dẫn đến cá cũng bị những di chứng về vây, vảy hoặc có thể chết... Chưa kể nuôi cá cũng phải tính đến yếu tố thị trường. Con cá nào mới xuất hiện, có hình dáng màu sắc mới, lạ sẽ được chuộng hơn. Cá không còn mới hoặc đã xuất hiện bị rớt giá.
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Lãng, chủ tịch Hội Cá cảnh TP.HCM, tỏ ra rất tự tin: “Hội Sinh vật cảnh chúng tôi mới thành lập tám tháng đã có trên 1.000 hội viên. Chúng tôi đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ xuất khẩu được 40-50 triệu USD cá cảnh”.
Theo Tuổi Trẻ