Thứ Tư, 11 tháng 6, 2008

Cá cảnh Hà thành: Đằng sau một thú chơi tao nhã

Khi mức sống của con người ngày càng cao thì các thú chơi tao nhã cũng có cơ hội phát triển. Chơi cá cảnh là một trong những thú chơi như vậy. Không kém gì thú chơi chữ, chơi tranh, đá, gỗ... của người xưa, thú chơi cá cảnh của dân sành điệu đang ngày càng có nhiều nấc thang nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải kỳ công chinh phục.

Cá nào, giá đấy!

Không thể kể ra hết tên của các loài cá cảnh đang "ăn" mạnh trên thị trường nhưng theo anh Q., chủ một cơ sở cá cảnh có tiếng ở Hà Nội thì hiện nay, người thưởng ngoạn ở thành phố và người trong giới kinh doanh đang ưa chuộng các loại cá La Hán, cá Ngân Long (cá Thần Tài), cá ông Tiên (hoặc cá Chim), cá Nàng Hai (cá Thác Lác được cấy hoa văn trên đuôi) và các loại cá đĩa. Còn giới trung lưu thì thường tìm mua các loại như: cá Chép Nhật, cá Sim, cá Phướng, cá Trân Châu, cá Hồng Kim (àoã), cá Hắc Củ Lỹ (màu đen), cá Tỳ Bà. Các loại cá đá đang hấp dẫn lứa tuổi thiếu niên là: cá Bọ Lửa, cá Bạch Phụng, cá Kim Sơn, cá Hòa Lan Thái... Cá La Hán có niên đại cao, chữ tượng hình trên thân càng rõ, miệng càng ngắn, đầu càng gù thì có giá càng cao. Một con cá La Hán "chuẩn" có thể có giá đến gần 20 triệu đồng nhưng có lúc phía "cung" không đáp ứng kịp nhu cầu của người mua ngày càng nhiều. Còn với những người có khả năng về tài chính nhưng thiên về trường phái chơi cá nghệ thuật thì họ thường chọn loại cá Đĩa bảy màu có giá từ 700.000đ đến 1, 6 triệu/cặp bởi chúng rất đẹp.

Chị Ph., chủ một cửa hàng có tiếng trên phố Hàng Đậu cho biết: ở Hà Nội có trên 100 loài cá cảnh khác nhau như: cá Đầu Rồng, cá Hoả Tiễn, cá Đĩa, cá Tai Tượng, cá Mây Triều, cá Mún Đỏ với những... mầu sắc vô cùng phong phú. Tuỳ theo từng loại cá cảnh mà có giá khác nhau... Cũng theo chị Ph., dân chơi cá cảnh ở Hà Nội hiện nay có hai tầng lớp. Tầng lớp giàu có và tầng lớp bình dân. Thông thường tầng lớp có tiền thì chơi cá La Hán, cá Đầu Rồng, Hoả Tiễn... vì đây là loài cá rất sang, lại mang ý nghĩa tượng trưng cho sự thịnh vương, may mắn của gia chủ. Còn tầng lớp thứ hai chơi cá theo phong trào, đó là tầng lớp bình dân, những đối tượng này thường mua những chú cá nhỏ hơn như cá Mún đỏ, Bình Tích, cá Hồi, cá Vàng, cá Chọi... vì phần lớn những chú cá này đều rẻ hơn nhiều so với loại cá trên. Nếu như cá Đầu Rồng, giá cho một đôi cá to có giá từ 1 triệu đến 2 triệu đồng /một đôi. Cá Tai Tượng có giá từ 300 đến 500 nghìn đồng /một đôi. Cá Hoả Tiễn giá từ 500 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng /một đôi thì đối với loại cá cảnh nhỏ có giá rất bình dân thông thường từ 10 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng /một đôi.

Chọn cho mình một loại cá để chơi ưng ý, người chơi còn phải tậu một cái bể cũng... ưng ý mới thoả thú chơi. Thời gian gần đây, dân chơi cá cảnh Hà Nội đang rộ lên thú chơi cá bằng bể thủy sinh. Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu, song chỉ chừng từ vài ba năm nay, thú chơi tao nhã và nhuốm cả màu sắc tâm linh này mới rộn ràng như thế. Hiện ở Hà Nội, một chiếc bể thủy sinh làm hoàn toàn bằng gốc và một phần thân cây gỗ lũa, là mô hình của một hẻm núi hoàn hảo gập ghềnh với thác đổ từ trên đỉnh xuống mặt hồ có giá 250 triệu đồng. Một chiếc bể cá thủy sinh treo tường siêu mỏng hoặc bể đặt (ở vườn, trong phòng) có giá trung bình từ 35 đến 150 triệu đồng. Không chỉ tốn tiền khi mua bể, đến khi chơi bể, người chơi còn phải cân chỉnh nó cho phù hợp với toàn bộ các chi tiết nội thất trong gian phòng và trong tư gia. Riêng việc làm thế nào cân bằng được hệ thống đèn trang trí cho bể (có những chiếc thường được dùng trong các phòng thí nghiệm cấy mô) với loại đèn day -light (cho ánh sáng tự nhiên) của gian phòng cũng đã chẳng hề dễ dàng.

Anh D., một người chơi cá cảnh thâm niên ở Hà Nội cho biết: Hiện tại, ở nhà anh có hai chiếc bể thủy sinh do chính tay anh thiết kế và chăm sóc. Chiếc bể to được đặt ở phòng khách làm căn phòng thêm lộng lẫy, nhất là vào buổi tối. Là một tay chơi có nghề, chính tay anh đã tự mua kính về, tự ráp thành một bể có chiều dài hơn 2m, rộng gần 1m và cao 1 m rưỡi. Anh cho biết giá thị trường của chiếc bể này khoảng gần 30 triệu. Ngoài việc tự tay gắn bể, anh cũng tự mua, tìm tòi các vật liệu bên trong. Vài chục bao sỏi, hàng chục cành cây được lọc ra chỉ để chọn một hai cành ưng ý, khoảng hơn tá loại cây thủy sinh như súng, rong... được anh kết hợp để tạo ra một môi trường mô phỏng tự nhiên trong không gian hạn chế của bể. "Kiến trúc" bên trong cũng được anh nghiên cứu rất kỹ.

Theo anh D., thiết kế của một bể cá cảnh được chia làm 3 trường phái. Một là theo phong cách Nhật Bản (còn gọi là amano) với các quy tắc khá khắt khe về bố cục. Nguyên liệu chính là đá và cây được sắp xếp theo một chủ đề nhất định, có thể là hùng vĩ của núi rừng, phong cảnh sơn thủy hữu tình hay quan niệm nhân sinh của phương Đông huyền bí. Bên cạnh đó là trường phái Hà Lan với cách bố trí theo hướng tự nhiên. Các loại cây được trồng theo lớp và mọc tự do tạo vẻ hoang dại. Cuối cùng là sự kết hợp của hai trường phái này, có thể được gọi là phong cách trung tính.

Để tạo ra một "công trình" cho riêng mình, các nguyên vật liệu thực hiện như đá, sỏi, gỗ, cây có thể mua và chọn lọc, thiết kế nền của bể cũng không quá khó khăn, các loại phân tạo ra môi trường sống cho cây và cá cũng được bán khá rộng rãi. Tuy nhiên, anh D. khẳng định cái khó nhất khi chơi bể cá thủy sinh là việc duy trì được nó.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Không chỉ là thú vui, nhiều người còn tin rằng nuôi cá cảnh trong nhà sẽ đem lại nhiều điều may mắn và sự an lành, thịnh vượng cho gia chủ nếu thuận theo phong thủy. Trong giới chơi cá cảnh vẫn thường rỉ tai nhau rằng, khi chơi bể cá thủy sinh, người chơi phải dựa theo mệnh, theo tuổi, theo cung sinh của mình để dựng bể, mua cá, mua rong chứ không chơi tùy tiện theo sở thích. Có rất nhiều loại bể: Bể Tứ Quý (theo quan niệm xưa, bể thủy sinh loại này mang lại sinh khí bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông cho chủ nhân); bể Tam Tài (mang lại sinh khí hoà hợp Thiên - Địa - Nhân); bể Ngũ Phúc Hướng Kim (được trình bày theo ngũ phúc nhưng hướng kim nhằm sinh khí, mang lại quyền lực, tiền tài); bể Mộc (gỗ kết hợp với các loại rong cỏ tạo nên màu xanh của Mộc. Khí của Mộc sẽ làm cho vạn vật được tươi tốt, có tính chất sinh sôi); bể Thủy (có suối, thác, thủy sinh và một vài chú cá hiền lành tạo ra sự mềm mại, uyển chuyển, nhấn mạnh vai trò của nước với các tính chất làm lạnh, hướng xuống làm cho vạn vật tĩnh lặng)...

Tậu bể, dựng bể là việc công phu nhưng chăm bể mới là khâu nan giải. Thông thường, người chơi hay thuê người về làm vệ sinh bể (mỗi lần chỉ từ 50.000 đến 200.000 đồng tùy theo bể), nhưng đã là dân chơi "nghệ" thì chiếc bể là của quý, chẳng khác gì con đẻ của mình. Thông thường, sau vài tháng phong cảnh nhân tạo của bể gặp những vấn đề mà sự khắc phục là rất khó khăn. Sự phát triển tự nhiên của các loại cây khác nhau, sống ở các vùng khác nhau với nhiều điều kiện khí hậu, ánh sáng không như nhau sẽ xung đột. Sự phong phú của các loài tạo ra vẻ đẹp của bể nhưng cũng chính điều đó tạo ra sự mâu thuẫn trong việc duy trì sự bền vững của môi trường sinh thái trong nước.

Anh D. tiết lộ: sau một thời gian, nước trong bể thường bị bazơ hay axít hóa làm tất cả các sinh vật đều bị ảnh hưởng. Khi đó, phải dùng các biện pháp khác nhau để khắc phục. Có thể cho thêm vào một số hóa chất chuyên dụng làm trung hòa môi trường nước. Một biện pháp khác là thêm hay bớt một số loại cây trong bể để tạo sự cân bằng trở lại. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về sinh học, hóa học cũng như những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình chơi.

Ngoài bể, các phụ kiện còn là dàn đèn cung cấp ánh sáng cho sự quang hợp của cây. Anh D. cho biết dù để trong phòng kín, ít ánh sáng mặt trời nhưng cây trong bể vẫn xanh tươi. Để có điều đó, người chơi bể cá phải "tập" cho chúng thói quen quang hợp như trong tự nhiên: bật điện ban ngày và tắt đi vào buổi tối. Sự công phu cũng thể hiện ở việc bật tắt đèn, trước khi tắt hệ thống đèn của bể nên bật đèn của phòng khách trước, sau đó mới ngừng hẳn việc cung cấp ánh sáng cho bể. Nếu không làm thao tác như vậy, cá có thể bơi loạn xạ khiến chúng bị "chấn thương" và phá hỏng cây trong bể. Quả thực thú chơi tao nhã này không phải ai cũng có thể theo được.

Phóng sự của Nguyễn Ngọc Gia Bảo

Những lời khuyên khi đặt hướng bể

Hướng tốt nhất cho một bể cá là Bắc hoặc Đông Nam. Hướng Bắc thuộc cung Quan Lộc, tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc. Đông Nam thuộc cung Phú Quý, tượng trưng cho sự giàu có. Cá là tài nguyên của nước. Vì thế, đặt bể cá theo hai hướng này sẽ làm cho tài nguyên sinh sôi, nảy nở. Gia chủ nhờ vậy cũng gặp nhiều may mắn. Nếu đặt bể cá theo hướng Bắc, bạn nên chọn cá có màu ánh kim như ngân long, mã giáp, ánh trăng... Vì hướng Bắc thuộc hành Thủy. Theo ngũ hành tương sinh tương khắc thì Kim sinh Thuỷ. Nếu bạn đặt bể cá ở hướng Đông Nam thuộc hành Mộc thì nên thả cá có màu đỏ, hồng, cam... Những màu này thuộc hành Hỏa, Mộc sinh Hỏa sẽ đem lại thịnh vượng cho gia đình. Ngoài ra, bể cá không nên để trong phòng ngủ hay làm mình giật mình mất giấc ngủ, chưa kể mùi nước cá, máy sủi bọt, máy bơm kêu liên tục. Do vậy không tốt.

Cá có màu đen tượng trưng cho sự an lành. Cá vàng tượng trưng cho sự may mắn. Sự kết hợp của hai loại cá này và được đặt ở bên trái cửa ra vào (khi từ trong phòng bạn nhìn trực diện với cửa ra vào) sẽ mang lại tài lộc.