Cá bơi... trong nhà
Nhà ông ở gồm một trệt một lầu, nằm trong khuôn viên rộng với nhiều hồ cá và cây xanh. Nhưng có điều lạ: ông không nuôi cá La Hán trong hồ tại khuôn viên vườn như nhiều loài cá cảnh khác mà ông nuôi chúng trên lầu 2.

Nhìn cặp La Hán này mới thấy chúng khác với bao con La Hán khác: mình dày, đầu u, toàn thân đầy màu sắc... Song cặp cá này chưa phải là nguyên nhân khiến dân chơi cá La Hán phong “Tư Chảy” làm “Vua” La Hán. Tài sản cá La Hán đáng kể của ông là 20 cặp La Hán giống được nuôi dưỡng cẩn thận trên lầu 2. Ông Tư giới thiệu, trong 20 cặp cá giống, 12 cặp thuộc dòng Kim cương Phước Lộc Thọ, 8 cặp Nữ hoàng Kim cương. Đây là những cặp cá giống do chính ông lai tạo từ mấy năm trước.

Kim cương Phước Lộc Thọ có thân ngắn mà cao (so với các loại La Hán bình thường), vây và lưng dày, miệng ngắn và châu (hạt) xanh… còn Nữ hoàng Kim cương có đặc tính đầu luôn ngẩng cao, u to… hiện rất hiếm vì khó lai tạo.
Ở một hồ cá trong góc phòng, một con La Hán Phước Lộc Thọ đang ấp trứng, trứng bám thành mảng. Ông “Tư Chảy” cho biết, trứng nào có màu trắng đục xem như đã hư, còn trứng có màu hồng với chấm đen thì sẽ nở con. 22 ngày sau khi rời bụng cá mẹ, trứng sẽ thành cá con, gọi là cá bột. Cá bột của ông được bán với giá 50 ngàn đồng/con.
Cá biết... nghe lời
Ông “Tư Chảy” tóm tắt công việc của mình: chừng 9 g sáng bắt đầu thay nước, kiểm tra các máy tạo oxy và cho cá ăn - thức ăn gồm tép, tim gan bò và một số thức ăn bán sẵn dành cho cá - đến hơn 12 g trưa thì xong. Chừng 3 g chiều lại kiểm tra nước và cá, sau đó chọn giống, cho cá phối (cá La Hán từ 6-8 tháng có thể cho sinh sản) … đến chừng 7-8 g tối mới xong. Ngày qua ngày, công việc ông cứ như thế.

Ông Tư cho biết, cặp cá này như một đôi “trai tài gái sắc” và lại biết cách “làm dáng” nên ai ngắm cũng thích, có người trả 100 triệu đồng nhưng ông không bán. Còn ngay cầu thang lầu 2, một con La Hán Kim cương khác, được xem như “bà tổ” của đàn cá La Hán trong nhà ông, thong dong bơi lội trong một hồ kính rộng. Con này được ông “Tư Chảy” sang tận Malaysia mua về. Con cá La Hán “tổ” này rất hiền và “hiểu tính chủ”, khi ông Tư vớt nó ra khỏi bể để nhỏ thuốc vào mắt thì nó nằm im, không quẫy, “với người lạ thì đừng hòng”, ông Tư cho biết.
Dù có nghề nuôi cá La Hán nhưng ông “Tư Chảy” cũng khiêm tốn cho biết, “Nghề này tương tự như nghề nông, cá đậu nhiều hay ít là tùy thuộc rất lớn vào nước và thời tiết. Còn nuôi có lên u và lên chữ hay không là do cách nuôi và cách cho ăn và thêm một chút... hên xui”. Tuy nhiên ông khẳng định, cá chừng 2 tháng tuổi sẽ phân biệt được trống mái.
Trống: màu sắc sặc sỡ, đầu nhỏ có u, vây không dính cờ đen… còn cá mái có miệng dài, đầu nhỏ, lưng và vây luôn có cờ đen. Còn cá chừng 7-8 tháng tuổi mới biết được có chữ hay không. Chữ trên cá La Hán luôn có màu xanh đậm. Những con có chữ “Phúc” hay “Đức”… thì giá cực đắt.
“Tư Chảy” theo nghề cá La Hán được hơn 3 năm qua, còn nghiệp cá cảnh đã theo gần 20 năm, là thành viên của Hội Cá cảnh TPHCM Ông cho rằng, nuôi cá La Hán là một nghề “kiếm sống được”. Tuy nhiên, cần phải nhìn xa hơn bằng cách phải tạo giống mới đẹp hơn và phải luôn thường xuyên học tập kinh nghiệm nuôi cá để nâng cao chất lượng cá và hướng đến xuất khẩu.
7 tiêu chuẩn chọn cá La Hán của dân chơi cá chuyên nghiệp: Dáng: dày và có hình bầu dục, vài biến thể gần đây có dáng gần như tròn, bụng đầy đặn và không có nếp gấp. Sắc: đa phần cá có màu đỏ từ má đến vùng bụng. Màu phía sau nhạt đi càng làm phần đỏ phía đầu “rực” hơn. Vẩy hạt trai: đa phần loại cá gần đây vảy cứng màu lanh lơ pha lục phủ khắp thân. Đốm ngang màu đen. Đốm đen đậm, dày thể hiện sự khỏe mạnh của cá. Đầu: đầu gù đẹp là nhất, nhưng nên cân đối với dáng và cỡ của cá. Mắt: nằm ở vị trí hai bên đầu, cân đối, nhãn cầu và mi mắt lanh lợi, phân biệt dễ dàng. Đuôi và vây luôn ở vị trí thẳng đứng. |
Theo SGGP
Đọc tiếp bài này...